Trân trọng và coi trọng
Hôm trước mình đọc cuốn sách “Blink: Trong chớp mắt” của Malcolm Gladwell. Trong sách có nhắc tới nhà tâm lý học John Gottman và khả năng tiên đoán thần kỳ của ông về kết cục của một cuộc hôn nhân dù chỉ quan sát 15 phút đối thoại giữa hai vợ chồng. Cụ thể là John Gottman có thể đoán chính xác 90% sau 15 năm liệu cặp đôi này còn ở với nhau hay đã li dị.*
Điều gì giúp John có thể đoán chính xác tới vậy?
John nói có một nét cảm xúc rất quan trọng giúp ông có thể phán đoán được. Trong cuộc đối thoại, dù chỉ 15 phút, bất kể là cãi cọ to tiếng hay nói năng nhẹ nhàng, nếu một trong hai người có thể hiện cảm xúc này, thì cuộc hôn nhân sẽ không mãi mãi dài lâu.
Đó là “sự khinh thường” hay “sự coi thường”.
Trong xã hội của chúng ta, có thể là vợ coi thường chồng vì kiếm tiền không giỏi. Có thể là chồng coi thường vợ vì ở nhà “ăn bám”.
Có thể là “Anh nhìn xem, chồng người ta làm những gì, thành công như thế nào, còn anh làm được những gì?” Hay là “Cô nhìn lại cô xem, cô có điểm gì tốt?”
Nhiều lúc nó được thể hiện qua thái độ hành động và những lời nói ngấm ngầm hơn. Có thể là người vợ gắt gỏng người chồng vì những lỗi cỏn con. Có thể là người chồng chê bai người vợ vì nấu cơm dở tệ.
Không có một công thức nhất định, nhưng tất cả rốt cuộc đều khiến người nghe cảm thấy bị chê bai, bị coi thường, bị tổn thương.
Ở nhà mình, đừng nói tới “chê bai”, “coi thường”, ngay cả một lời nói có thoang thoảng tính tiêu cực hạ thấp đối phương thôi, cho dù là đùa cợt trong riêng tư, cũng không bao giờ thốt ra. Dù đó là về ngoại hình, về tính cách, về thói quen, về điều người kia làm, hay tất tần tật về bất cứ cái gì khác của người kia…
Thay vào đó là những lời lẽ có sự cân nhắc cảm xúc của người nhận. Có khen ngợi, có động viên, có đùa nghịch cười cợt, có cả những lời góp ý thẳng thắn thành thật… Nhưng trong bất cứ tình huống nào cũng là những lời khiến đối phương nghe sẽ cảm thấy tốt, cảm thấy có nguồn năng lượng tích cực, chứ không phải là bị hạ thấp xuống.
Mình gọi đó là “trân trọng” và “coi trọng”.
Với mình sự “trân trọng” và “coi trọng” đến tự nhiên và dễ dàng. Vì mình luôn nhìn vào chồng mình như một cá thể độc nhất vô nhị, một con người đặc biệt không gì có thể thay thế được, một con người mà mình luôn muốn yêu thương cho đúng cách.
Nếu không vừa ý điều gì, mình sẽ dừng lại một giây tự hỏi: “Mình đã cảm ơn anh ấy vì điều anh ấy làm chưa?” để không buột ra những lời chỉ trích vô nghĩa.
Nếu cần nhờ vả điều gì, mình luôn nhẹ nhàng ba tiếng “anh yêu ui” kèm theo lời “cảm ơn” ở cuối.
Nếu chồng chia sẻ về công việc mà mình muốn khích lệ anh ấy hơn, mình sẽ tự hỏi: “Anh ấy cảm thấy thế nào? Điều đó có làm anh ấy cảm thấy áp lực không? Điều đó liệu có tốt nhất cho anh ấy?” chứ không so sánh hay lấy chuẩn mực nào khác của xã hội để làm gương.
Chồng mình cũng vậy.
Mình còn nhớ hồi mới sinh bé, tóc tai bù xù, quần áo lôi thôi, nhìn vào gương mà mình phải kêu lên: “Khiếp, trông em kinh quá!” Chồng chỉ nhẹ nhàng hôn lên trán mình và bảo: “Đừng có ngốc! Em rất là đẹp!”
Khi mình bảo: “Em muốn đi làm vì không muốn để anh một mình lo gánh nặng kinh tế gia đình.”, chồng nói có chút trầm tư: “Nếu đó là lý do duy nhất để em muốn đi làm thì không nên. Anh muốn em được tự do làm điều em thích.”
Rồi khi mình lưỡng lự: “Không biết cái này em có làm được không?”, chồng mình sẽ nói: “Câu hỏi không phải là em có làm được không, mà là em có muốn làm không, vì anh biết em có thể làm được.”
Không có một công thức nhất định, nhưng mình nghĩ, tất cả đều quy về một thứ, đó là khi mình yêu người ta vì người ta là chính người ta, mình nhìn thấy những điều đặc biệt ở người ta và luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho người ta đó.
❤
—-
*Chú thích: Một bạn đọc đã chỉ ra một điều rất đúng là tỉ lệ li dị tiên đoán của John Gottman sẽ chỉ đúng ở châu Âu chứ sẽ không đúng ở châu Á đặc biệt là vào thế hệ trước khi mọi người “chịu nhau” mà sống. Tuy nhiên ý chung của kết quả nghiên cứu John Gottman tức là sự coi thường sẽ không thể duy trì một mối quan hệ bền vững. Khi người ta “chịu nhau” mà sống thì hôn nhân đó cũng không thể tính là tốt đẹp.
—-
Link tới sách “Blink: Trong chớp mắt” của Malcolm Gladwell, một cuốn sách rất hay với những ví dụ về sự đúng đắn và sai lầm của bản năng trong nhiều trường hợp (chú ý đây là sách bàn về quyết định theo bản năng, có nhiều ví dụ khác nhau trong kinh doanh, trong nghiên cứu…, không phải sách về tình yêu hay hôn nhân gia đình gì đâu nhé 😆)
Tiki | Shopee | Amazon |
Malcolm Gladwell có nhiều cuốn sách rất hay thông thường là thể loại cung cấp kiến thức hoặc phát triển bản thân, mọi người có thể xem các cuốn sách khác của Malcolm Gladwell ở đây nhé: Tiki | Shopee |
—-
👉 Link giới thiệu cho bạn đọc mới của blog: Giới thiệu
👉 Link mua truyện “Dấu yêu Cambridge” về tình yêu tình bạn tại trường Cambridge nơi mình từng theo học: Tiki | Shopee 1 |Shopee 2 |