Trong gia đình mình ai là tay hòm chìa khóa?

Năm 2011, 22 tuổi, mình ra trường, cũng vừa lúc em gái từ Việt Nam qua Anh học. Kinh tế gia đình lúc đó ở Việt Nam có chút khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, ba mẹ lo được tiền học cho em, còn tiền ăn ở của hai chị em hoàn toàn phải dựa vào lương của mình. Dù mình xin được việc ở một công ty lớn, lương của sinh viên mới ra trường không lại vào đâu với cuộc sống đắt đỏ bên này.

Mình vẫn nhớ ngày đó, hai chị em thuê nhà ở trong trung tâm Luân Đôn, ngân sách eo hẹp cộng thêm là người nhập cư, nên không có nhiều lựa chọn. Cuối cùng tìm được một căn phòng trong một khu nhà vốn là một trạm tàu cũ được cải tạo thành nhà ở tại một khu phố Trung Đông. Giờ nghĩ lại thấy ngày đó mình cũng bạo, dám lựa chọn ở khu vực đó. Thư từ đến cửa nhà đều bị bóc nát. Xe cảnh sát bí bo vì có người cầm dao đâm nhau ngay trên vỉa hè. Bạn cùng căn hộ toàn là thợ xây người nhập cư, ngoài việc bia rượu hút cỏ, may mà họ đều là những người thân thiện, tốt bụng và không dính tới ma túy hay các hoạt động phạm pháp gì. Sau này đi làm hỏi han đồng nghiệp mới biết, dân văn phòng thường hay dính với dân văn phòng, thuê các căn hộ sạch sẽ ngăn nắp ở các khu vực nhiều dân văn phòng, chứ chẳng ai như mình lao đầu vào khu vực chợ búa phức tạp. Nhưng thôi, cũng gọi là trải đời một chút cho biết.  

Tuy nhiên thời gian “trải đời” của mình cũng không lâu lắm. Hai tháng kể từ ngày “vào đời”, mình gặp chồng mình. Chồng mình lúc đó 28 tuổi, đi làm được 7 năm, đã lên chức một hai lần, đã có nhà mua trả góp, cũng có thể gọi là ổn định. Người ta hay nói người bên này sòng phẳng, hẹn hò đi ăn đi chơi thường chia 50:50. Cái này thực ra cũng tùy người. Ngay từ những ngày đầu hẹn hò, chồng mình đã tỏ ý muốn chi trả hết cho mọi thứ. Lúc đầu mình cũng ngại và lăn tăn lắm, nhưng chồng mình bảo mình, đại ý là: “Anh biết lương sinh viên mới ra trường không nhiều, anh đã trải qua rồi nên anh biết. Mình không nên để chuyện tiền nong tạo rào cản và khiến mình không thể làm nhiều thứ cùng nhau.”

Cũng may khoảng thời gian lăn tăn ngại ngùng không quá lâu, vì một tháng sau chồng mình cầu hôn, và thêm 6 tháng nữa thì rinh mình về nhà. Khu vực chồng mình ở khác hẳn khu vực nhà thuê cũ của mình. Căn hộ nằm trong một tòa nhà 6, 7 tầng gần bờ sông Thames. Cảng Katharine ở gần đó luôn rực rỡ trong ánh đèn của quán bar, nhà hàng, một cuộc sống gần gũi hơn với danh tiếng “trung tâm tài chính thế giới” của Luân Đôn. Cầu Tháp cuối con đường là biểu tượng văn hóa lịch sử bắc nối vào cái trung tâm tài chính nhộn nhịp liên tục biến đổi này.

Kể từ cái giây phút, nỗi lo về tài chính không còn quanh quẩn trong đầu mình, không phải vì chồng mình đặc biệt giàu có gì, mà chỉ đơn giản là lương hai người đi làm, trả cho một căn hộ, bao giờ cũng dễ thở hơn rất nhiều so với một người một mình lo toan cho tất cả mọi thứ. Tuy nhiên trong những năm đầu kết hôn, hai đứa mình không tiết kiệm được gì nhiều, thậm chí còn thâm hụt vào tiền tiết kiệm trước của chồng, vì việc kinh doanh của gia đình mình ở Việt Nam trong giai đoạn đó gặp nhiều khó khăn hơn, không còn lo được tiền học cho em, mà phải dựa vào vợ chồng mình bên này. Khi em học xong thì cũng là lúc mình nghỉ thai sản, thu nhập đi xuống rất nhiều. Phải cho tới khi mình đi làm lại vào năm 2017, thì hai vợ chồng mới gọi là có chút tiết kiệm. Cuộc sống ở Luân Đôn rất khó có thể tiết kiệm nhiều được nếu chỉ dựa vào lương của một người đi làm.

Từ khi kết hôn hai vợ chồng mình đã tạo tài khoản ngân hàng chung và không còn giữ tài khoản riêng. Tất cả thu nhập và chi tiêu đều đi ra từ một tài khoản. Sau này mình có đăng ký thêm thẻ tín dụng để tăng điểm tín dụng và nhận cashback offer, chi tiêu bắt đầu đi ra từ thẻ tín dụng, nhưng chi trả cho thẻ tín dụng này vẫn từ tài khoản chung của hai vợ chồng.

Trong việc chi tiêu, những chi tiêu lặt vặt thường chẳng ai quản ai, nhưng nếu có món nào lớn hơn như là dụng cụ máy ảnh, máy tính, điện thoại… thì hai vợ chồng sẽ có bàn bạc để cùng nhau quyết định.  

Từ khoảng năm 2013, mình bắt đầu việc ghi lại chi tiêu trong gia đình. Vì mình làm nghề kế toán, nên mình tự thiết kế bảng tài chính, ghi lại thu nhập chi tiêu và tài sản của gia đình. Chồng mình phụ ghi chép lại số liệu, nhưng mình vẫn là người chịu trách nghiệm chính về mặt thiết kế, phát triển tính năng cho bảng báo cáo tài chính này. Vợ chồng mình thường ngồi tổng kết cuối năm vào tháng 12 và bắt đầu forecast tính ra kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm cho năm tới là gì. Về vấn đề thuế má, chồng mình là người lo liệu khai giấy tờ thuế hàng năm vì đã có nhiều kinh nghiệm trước đó.

Trong việc đầu tư, trước năm 2020, chồng mình là người đầu tư chính trong gia đình, căn bản vì mình lúc đó không có mấy hứng thú. Chỗ làm của chồng mình kiểm soát khá nghiêm ngặt các hoạt động đầu tư khiến việc đầu tư truyền thống vào thị trường chứng khoán khó khăn hơn, nên chồng mình thường đầu tư nho nhỏ vào các công ty khởi nghiệp startups huy động vốn từ quần chúng. Từ đầu năm 2020, khi mình bắt đầu có hứng thú với việc đầu tư, hai vợ chồng chia ra, chồng tiếp tục mảng đầu tư của chồng, còn mình sẽ tìm hiểm khai thác các mảng khác bao gồm chứng khoán. Dù không to tát nhiều nhặng gì, vợ chồng mình vẫn ngồi xuống bàn bạc chiến lược đàng hoàng, định hướng mỗi năm tiền tiết kiệm được bao nhiêu phần trăm sẽ tiếp tục đầu tư vào startups, bao nhiêu phần trăm sẽ đầu tư vào thị trường chứng khoán và các mảng khác… Bệnh nghề nghiệp, mình thậm chí còn ngồi tính ra kế hoạch đầu tư cho 10 năm tới. Tất nhiên, có lên kế hoạch thế nào thì vẫn cần phải linh hoạt thay đổi cho phù hợp khi hoàn cảnh thay đổi.

Nói chung mình cảm thấy may mắn vì chồng và mình có suy nghĩ khá giống nhau trong vấn đề tài chính, đều không phải là người xa hoa thích tiêu pha nhiều và đều là người thích tính toán cho tương lai, nên những quyết định về tài chính cũng dễ dàng hơn.

Tới bây giờ, việc đầu tư và quản lý tài chính với mình trở thành sở thích nhiều hơn là việc phải làm. Đó là vì mình khá yêu thích công việc hiện tại và không có ý định nghỉ hưu sớm. Làm trong nhà nước có mức lương hưu rất tốt. Mình tính ra rằng nếu mình làm tới độ tuổi nghỉ hưu, mình sẽ được nhận lương hưu trước thuế khoảng £55k một năm, hoàn toàn thừa đủ cho chi tiêu ở độ tuổi đó cho cả hai vợ chồng. Thế nên việc đầu tư không phải là vì lo xa cho nghỉ hưu mà đơn thuần là muốn tìm hiểu để biết thêm về một mảng mới, về cách thế giới tài chính ngoài kia vẫn đang vận hành. Để xem sở thích này kéo dài được bao lâu, nhưng cho tới thời điểm này thì mình vẫn còn hứng thú. 😊    


Link tới câu chuyện tình iu tình báo “Luân Đôn nơi em tìm thấy anh” của hai vợ chồng mình: https://www.chuyencuangan.com/danh-sach-truyen/

Link tới bài viết khác về thu nhập và giá cả cuộc sống Luân Đôn: https://www.chuyencuangan.com/luong-bong-va-chi-phi-sinh-hoat-o-anh/

Link tới kết quả đầu tư vào chứng khoán của mình tháng vừa rồi: https://www.chuyencuangan.com/ket-qua-dau-tu-chung-khoan-mua-covid/

Link tới các bài viết khác về chủ đề tài chính:  https://www.chuyencuangan.com/category/tai-chinh-ca-nhan/

Link giới thiệu: https://www.chuyencuangan.com/gioi-thieu/

Đừng quên đăng ký ở phần “Để lại email để theo dõi blog” để nhận thông báo khi có bài viết mới! Phần đăng ký nằm ở cuối bài viết này dưới mục bình luận nếu bạn sử dụng điện thoại và ở phía bên tay phải nếu bạn sử dụng máy tính. Sau khi bấm nút “đăng ký”, nếu bạn không nhận được email yêu cầu xác nhận từ blog, xin hãy kiểm tra thùng thư rác (junk mail).

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!