Vài điều về tài chính gia đình
Vì bạn đọc có hỏi, nên hôm nay mình xin chia sẻ thêm về tài chính gia đình. Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, sẽ không phù hợp để áp dụng vào mọi hoàn cảnh.
- Từ một vài năm trước, hai vợ chồng mình bắt đầu lên kế hoạch tự do tài chính khi mình ở tuổi 45 và chồng 50, tức là khoảng 9 năm nữa. Tự do tài chính khác với nghỉ hưu sớm. Tự do tài chính khi có một khoản đầu tư tiết kiệm vừa đủ để tạo thu nhập thu động chi trả cho một mức sống nhất định mà không cần phải làm việc. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là ngừng làm việc, mà là khi đó mình có thể lựa chọn thể loại công việc mà không cần phải lo nghĩ tới thu nhập.
- Khi thu nhập thấp hơn, mình cố gắng tiết kiệm đầu tư chừng 20% tới 40% thu nhập. Nhưng từ mấy năm trở lại đây, mình phấn đấu 50% tới 60%. Mình muốn cân bằng giữa chất lượng cuộc sống hiện tại và mức sống ở tương lai, nên luôn đảm bảo mức chi tiêu phù hợp, vẫn chi tiêu cho sở thích như ăn hàng, triển lãm, hòa nhạc, du lịch… nhưng sẽ không chi tiêu quá đà vào những thứ mà mình cảm thấy không mang lại giá trị thực tiễn cho bản thân như là hàng hiệu.
- Việc đầu tư trong gia đình vợ chồng làm những mảng riêng, dù có thảo luận bàn bạc với nhau. Ví dụ, ngoài việc đầu tư vào những thứ chung chung như là cổ phiếu hay quỹ đầu tư, chồng mình thường đầu tư vào công ty startup, còn mình tìm hiểu về việc cho vay bất động sản theo dạng quy mô nhỏ lẻ. Chiến thuật đầu tư là chấp nhận rủi ro cao hơn trong giai đoạn đầu, và chuyển sang rủi ro thấp hơn khi tới gần mục tiêu hơn.
- Hai vợ chồng mình đầu tư cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau, và có trường hợp chấp nhận rủi ro cao hơn nếu dự án của công ty mang lại nhiều giá trị xã hội (ví dụ dự án có thể làm sạch môi trường, hay phát triển kinh tế địa phương…). Mong muốn của mình là khi đạt được mục tiêu tự do tài chính rồi, có thể đẩy nhiều hơn sang hướng impact investing, có nghĩa là đầu tư vào những công ty và đề án mang lại giá trị xã hội, dù có thể sẽ không đạt được lợi nhuận tài chính cao.
- Mình ghi chép tài chính kết hợp app và Excel. Những thu chi hàng ngày qua ngân hàng có thể sử dụng app, nhưng vì mình đầu tư vào nhiều kênh khác nhau nên cần sử dụng excel để tổng hợp các nguồn khác nhau để tạo ra báo cáo về thu chi và tài sản. Thông thường cứ hai, ba tháng mình lại dành tầm hai, ba tiếng đồng hồ để tổng kết tài chính. Cuối năm thì sẽ làm bản kế hoạch tài chính cho năm tới, lên ngân sách cho các khoản chi tiêu.
- Mình quan niệm kiếm tiền để sống, chứ không phải là sống để kiếm tiền, nên mình khá linh hoạt với mục tiêu của mình và chỉ làm những thứ mà mình thực sự có hứng thú. Ví dụ, kinh doanh có thể mang tới nhiều lợi nhuận hơn, nhưng hiện vì không thuộc phạm trù sở thích của mình nên mình sẽ không cân nhắc tới hướng này.
- Một điều quan trọng trong tâm lý đối với tiền bạc đó là “biết đủ là hạnh phúc”. Dù mình giàu thế nào thì sẽ luôn có người giàu hơn, thế nên khi đặt mục tiêu cho bản thân cần nhìn vào nhu cầu và mong muốn của mình, thay vì chạy đua theo người khác.
- Và điều tối quan trọng là: tiền bạc tạo cơ hội giúp đỡ người khác, làm giàu trải nghiệm cuộc sống, nhưng không nên để tiền bạc trở thành nỗi lo hay trở thành danh tính của bản thân.
——