Văn hoá màu da

1. Mình mới đọc gần đây một bài viết thú vị về sự khác nhau giữa văn hoá Anh và văn hoá Việt tại môi trường việc làm trong “Nhóm tìm việc làm và học bổng tại UK”, khiến mình suy ngẫm về những trải nghiệm của bản thân.

Mình xin chia sẻ một vài suy nghĩ ngắn về một khía cạnh khác liên quan tới văn hoá màu da.

2. Ở Bộ trung ương nơi mình làm việc, có một chương trình huấn luyện mới được đưa vào dành cho các nhân viên từ nhóm thiểu số, ví dụ như da màu, người khuyết tật, người từ cộng đồng LBGT, nhằm giúp những nhóm này có nhiều cơ hội cao hơn để bước vào đội ngũ lãnh đạo cấp cao.

Trong một buổi họp nhóm, một anh đã phát biểu thế này: “Chúng ta cần tạo ra một môi trường mà có nhiều “kiểu” để thăng tiến, chứ không chỉ có một “kiểu” nhất định.”

Khi được hỏi ý anh cụ thể là gì, anh lấy ví dụ về một đồng nghiệp người gốc Ấn mà anh quen biết trước đây. Đồng nghiệp này, dù gốc Ấn, nhưng anh ta không có chút phong thái nào của người Ấn. Anh ta ăn mặc như người Anh gốc Anh, nói chuyện như người Anh gốc Anh, cư xử như một người Anh gốc Anh. Một điều rất rõ ràng là anh ta đã cố ép mình vào một khuôn mẫu nhất định để mà thăng tiến.

Mặc dù anh ta thành công bước chân vào đội ngũ lãnh đạo cấp cao, nhưng anh ta không có dấu ấn nào riêng của bản thân anh ta và tạo lên cảm giác rằng anh ta đang cố gượng ép bản thân trở thành một người khác.

Rốt cuộc thì anh ta được hay mất?

3. Một quan sát khác.

Ở bộ cũ, mình có một nhóm đồng nghiệp, bằng cấp và cấp dưới. Trưa nào cũng đi ăn tán phét cùng nhau. Họp hành nói tràn lan đại hải không bao giờ hết ý kiến.

Ở bộ mới, mình rủ mọi người đi ăn trưa, không phải ai cũng có hứng thú. Họp hành không ai thích nói câu nào.

Cùng là bộ chính phủ, nhưng nhóm đồng nghiệp rất khác nhau về tính cách, về tác phong.

Có phải một bên người Anh, một bên người Á?

Không!

Bộ cũ cũng như bộ mới, tất cả đều nhiều người gốc Anh lẫn gốc nước ngoài như nhau. Không bên nào hơn, bên nào kém.

Sự khác nhau, không phải vì màu da, không phải vì văn hóa, mà đơn giản vì mỗi con người là một cá thể riêng biệt, không ai giống nhau. Có người này sẽ có người kia.

4. Con người khác nhau. Vì thế mỗi lãnh đạo cấp cao lại có một phong cách khác nhau.

Có lãnh đạo tính cách hướng nội, có lãnh đạo hướng ngoại. Có lãnh đạo nói nhiều, có lãnh đạo nói ít. Có lãnh đạo thích thân cận với cấp dưới, có lãnh đạo thích ở trên cao. Có lãnh đạo là đàn ông, có lãnh đạo là phụ nữ. Có lãnh đạo da trắng, có lãnh đạo da màu.

Ngày nay, thế giới đang dần thay đổi. Không còn chỉ có một “kiểu” để thành công.

5. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là mình cứ làm cái mình thích, mặc kệ bố con thằng nào.

Môi trường nào cũng vậy thôi, dù ở Việt Nam hay Anh Quốc, sẽ luôn có những yếu tố nhất định để thành công. Người biết quan sát, biết học hỏi, biết tiến bộ sẽ luôn là những người thành công.

Ví dụ nếu quan sát thấy mình chưa đóng góp được gì nhiều trong các buổi họp nhóm, thì hãy suy nghĩ tại sao lại như vậy. Có phải do mình ngại nói? Hay do mình chưa chuẩn bị kỹ càng? Mình muốn làm gì để có được kết quả khác đi? Rồi bỏ mồ hôi, bỏ công sức để luyện tập, để cố gắng.

Cái quan trọng là đừng bao giờ để suy nghĩ “mình là người ngoại quốc, mình không phải người da trắng” kìm hãm bước chân của bản thân.

Cũng đừng để suy nghĩ “mình không phải là một trong số họ” khiến bản thân lạc lõng và cô độc.

Không xem cùng một chương trình TV thì sao? Không hiểu cùng một câu đùa thì đã sao? Người Anh với nhau chưa chắc đã hiểu nhau. Người Việt với nhau chưa chắc đã hoà hợp.

6. Với mỗi con người mình gặp gỡ hàng ngày, mình biết tới họ bắt đầu từ cái tên, rồi dần hiểu họ bằng cách nói chuyện và tiếp xúc hàng ngày.

Không phải vì họ là người Anh mà mình cho rằng họ sẽ uống trà thay nước. Không phải vì họ là người Việt mà mình cho rằng họ không ăn gì ngoài cơm.

Bỏ sạch những mặc định vốn có trong đầu mà bắt đầu từ con người đang đứng trước mặt. Nói chuyện với họ, tìm hiểu họ.

Rồi họ sẽ không còn đơn thuần là “họ” nữa, mà sẽ trở thành “D, thích uống trà, thích đọc sách, không thích nói nhiều, người ngồi cạnh tôi”.

Và mình cũng không còn là “một người ngoại quốc”, mà sẽ trở thành “A, thích uống cà phê, thích xem phim Hàn Quốc, bạn của D”.

—-

Ảnh: Ngân, thích uống trà thêm tí sữa, thích ăn bánh nhà hàng, thích đi dạo phố, thích tán nhảm linh tinh.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!