Bà cụ non 4 tuổi rưỡi

1. Con đang chơi chợt đứng chựng lại: “Con cần phải đi ị.”

Chồng gật gù theo thói quen: “Ý kiến hay đó con.”

Con ngay lập tức quay sang: “Ba, đó không phải là một “ý kiến”! Mà đơn giản là con cần phải đi ị.”

Nói với giọng thẳng đơ không chút cảm xúc mới sợ.

Mình trợn mắt, cố nín cười.

2. Tiếp, chồng cũng đang cố nín cười, vội gật đầu: “Ờ, phải rồi. Đó không phải là một ý kiến!”

Con vẫn chưa tha tiếp tục nhìn nhìn: “Tại sao ba lại cười con?”

Chồng cãi: “Đâu, ba có cười đâu.”

Con: “Đúng là ba đang cười mà.”

Chồng không cãi được đành chuyển sang chiêu… chữa: “Là ba cười cùng con.”

Con: “Nhưng con có đang cười đâu.” chốt câu cuối!

Chồng cứng họng, hết cãi! Phải rồi, cả hai người cười thì mới gọi là “cùng” chứ!

=> Bài học cho lần sau: Tuyệt đối không được cười nàng!

3. Mình chơi với cháu: “Bông, con có làm được như thế này không?” Vừa nói vừa nháy nháy một mắt.

Cháu Bông cười tươi như hoa, nhanh nhảu nháy nháy mắt cho bác xem.

Mình hoan hô: “Ôi, Bông giỏi quá! Nháy mắt được kìa!” Quay sang con mình: “Nhìn kìa, em họ con đang nháy mắt kìa. Thật giỏi quá! Con có làm được không?”

Con đang loay hoay với cuốn vở và cây bút viết viết cái gì đấy, bảo: “Có, con làm được. Nhưng mà con sẽ không làm đâu.”

Nói cái câu mà mặt lạnh tanh, thậm chí không thèm ngẩng đầu lên nhìn bà mẹ đang hí hửng xum xoe.

=> Kiểu: mẹ đang đố con cái trò quá trẻ con.

=> Mình thộn mặt! Chậc, sao thi thoảng mà cứ tưởng con mình 12 tuổi, chứ không phải 4 tuổi nữa.

4. Chồng chơi thổi phù phù vào bụng con như kiểu làm thành tiếng động cơ xe chạy.

Mình thay quần áo cho con hít thấy mùi gì hôi hôi, liền bảo: “Ôi sao bụng Anna có mùi gì hôi thế nhỉ? Hay là do ba thổi? Để mẹ đi lấy giấy lau cho Anna nhé.”

Con ngay lập tức quay sang chồng đang nằm gác chân trên giường: “Ba, lần sau đừng thổi vào bụng con nữa nhé. Mùi hôi lắm làm mẹ phải lấy giấy lau.”

Mình phải mím môi quay đi, nghe tiếng chồng vọng lại từ đằng xa: “Đừng nghe mẹ con nói linh tinh.”

5. Con nằm đếm số, đếm một hồi quay sang hỏi mẹ: “Số gì sau số 100 hả mẹ?”

Mình: “101.”

“Rồi 102?”

“Ừ.”

“103, 104, 105… Vậy số cuối cùng là số gì hả mẹ?”

Mình: “Không có số cuối cùng con ạ.”

“Tại sao?”

“Vì số đi tới vô cực. Giống như là tiếp tục mãi mãi vậy.”

Con tiếp tục: “Tại sao?”

Mình: “Ơ… ơ…” suy nghĩ một hồi, cuối cùng phụt ra: “Thì nó được tạo ra như vậy.”

Toát mồ hôi hột, cuối cùng cái ngày đã đến, bị hỏi cái câu mà chẳng biết chả lời thế nào cho chuẩn.

6. Mình nằm trên giường cạnh con, tay con sờ mó lung tung bẩn.

Mình bảo: “Con đi rửa tay đi.”

Con gật đầu, nhảy xuống giường. Nhưng không đi ngay, mà quay sang đưa hai tay lên không trung… dặn dò mẹ: “Mummy, make sure you know when I’m back, because I want you to cuddle me.” (Kiểu là bảo mẹ nhớ để ý và biết chắc khi nào con quay trở lại để mà còn ôm con.)

Mình vội gật đầu: “Ừ, mẹ biết rồi. Con cứ đi đi.”

Ôi, bà cụ non của tôi!

7. Một ngày mình và con đi trên xe tắc xi về nhà. Mình hỏi con về chuyện ở trường, lúc đầu con trả lời đầy đủ, nhưng sau một hồi con bảo: “Stop talking about it, Mummy.” (“Thôi, mẹ đừng nói về cái đó nữa.”)

Lúc đó mình thấy hơi hẫng, nhưng thấy con không muốn nói thì mình cũng thôi, vả lại ngồi trên tắc xi nên mình cũng không muốn đôi co nhiều.

Về tới nhà, khi đã ngồi chơi một lúc thì mình mới bảo: “Con, vừa rồi trên xe con bảo mẹ “Đừng nói nữa” như vậy là không lịch sự. Nếu con không muốn nói thêm về chủ đề đó, con nên nói là “Mẹ, mình có thể để tẹo nữa mới nói về chuyện đó được không?””

Con gật gật, nhưng ậm ừ, không phải là kiểu đã thấm nhuần.

Mình hỏi thêm: “Tại sao con lại không muốn mẹ nói ở trên xe?”

Con trả lời: “Bởi vì con bị say xe, và con không muốn nói về chuyện trường lớp, nhưng mà mẹ cứ hỏi con mãi.”

Mình giải thích: “Mẹ hỏi vì mẹ quan tâm tới con.”

Con tiếp tục: “Con biết điều đó, nhưng con không muốn nói về chuyện trường lớp.”

Mình biết con cũng mệt sau một ngày dài ở trường, nên cuối cùng chỉ nhẹ nhàng nói thêm: “Giống như khi con thích hỏi mẹ rằng mẹ làm gì ở chỗ làm. Thì mẹ cũng thích hỏi con đã làm gì ở trường thôi. Đó là cách mẹ quan tâm tới con. Lần sau nếu con không thích nói, thì chỉ cần lịch sự bảo mẹ là: “Mẹ ơi, để lát nữa mình nói.”.”

Mình vẫn biết con mình hướng nội, làm một người nhạy cảm và có nhiều suy nghĩ, nhưng thật không thể tin được đây là một cuộc đối thoại với một đứa bé 4 tuổi. Mình không ngờ là não bộ ở độ tuổi này đã đủ phát triển để duy trì một cuộc đối thoại dài và sâu như vậy, đặc biệt là trong trạng thái mệt mỏi.

Tuy mình không biết não bộ và nhận thức của con đã phát triển tới đâu, có một điều mình biết rất rõ là mình cần phải quan tâm rất nhiều tới đời sống tinh thần của con và chăm nói chuyện tâm sự.

8. Một ngày khác, khi nằm trên giường trước khi đi ngủ, đột nhiên con quay sang bảo mình: “Mummy, even if you hurt me, I will still love you.” (“Mẹ, cho dù mẹ có làm đau con, con sẽ vẫn yêu mẹ.”)

Một lần nữa, mình lại ngỡ ngàng, nhưng mình nhanh chóng lấy lại vẻ mặt bình thường và cười bảo: “Ồ, mẹ cảm ơn Anna nhé. Mẹ cũng vậy. Cho dù con làm đau mẹ, mẹ sẽ vẫn yêu con. Như vậy thật là tuyệt phải không con. Khi người khác làm đau mình, mình vẫn nên yêu thương họ.” Rồi mình hỏi: “Con biết tại sao không?”

Con ngước mắt nhìn mình hỏi: “Tại sao?”

Mình liền kể cho con về câu chuyện Chúa Giê-su chết trên thập tự giá, cho dù bị người ta phỉ nhổ, ném đá, Chúa vẫn yêu thương họ và cầu mong sự tha thứ cho họ.

Trong sâu thẳm, mình luôn cầu mong cho con một trái tim rộng lượng, vì chỉ như thế con mới có thể sống an nhiên tự tại không cay đắng tức giận với cuộc đời.

Mình không biết con hiểu được bao nhiêu và áp dụng được bao nhiêu, nhưng mình luôn hi vọng từng chút từng chút sẽ có những hạt giống tốt gieo vào tim con, và một ngày tương lại không xa, nó sẽ đơm hoa kết trái.

P/S Ảnh: Cô bé mùa thu gom lá dọn vườn

0 Replies to “Bà cụ non 4 tuổi rưỡi”

  1. Đối với các bé gái, 4 tuổi rưỡi là người lớn lắm rồi em ạ. Chị nhớ khi Boo Boo 4 tuổi, chị đã hoàn toàn có thể xem Boo là bạn của chị ấy, thích lắm! Hạnh phúc nhất là có 1 cô con gái đó em, mình tha hồ làm mọi thứ mình thích cùng với bé 😊😊😊

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!