Chia sẻ kinh nghiệm xin Thạc Sĩ Anh Quốc từ Việt Nam

Như đã hứa, mình viết bài này chia sẻ các bước làm thế nào để xin học Thạc Sĩ tại Anh Quốc từ Việt Nam. Thời gian là 1 năm từ bước đầu tiên tới khi đặt chân tới Anh Quốc. Mình xin nói thêm những điều chia sẻ dưới đây là từ kinh nghiệm và tìm hiểu cá nhân, có thể không áp dụng được với tất cả mọi trường hợp.


Bước 1: Tìm hiểu thông tin

Từ kinh nghiệm làm đề án nhiều năm của mình, làm gì mà có kế hoạch rõ ràng thông tin đầy đủ thì khả năng thành công trong thời gian dự định cũng sẽ cao hơn. Những điều cần cân nhắc suy nghĩ và tìm hiểu cho việc đi du học bao gồm:
1) Đi du học để làm gì?
2) Đi du học ngành nào, trường nào?
3) Chi phí giá thành là bao nhiêu?
4) Hồ sơ đăng ký khóa học cần những cái gì?
5) Hồ sơ đăng ký visa cần những cái gì?
6) Cơ hội việc làm ở nước bản địa có cao không?
7) Thời gian mất bao lâu để làm mỗi bước?

Mình có chia sẻ một số thông tin chi tiết về các điều trên trong phần câu hỏi và trả lời ở cuối bài viết này. Nhìn chung tổng chi phí sẽ trong tầm 1 tỷ tới 1.5 tỷ cho khóa học 1 năm, nếu không có học bổng. Đi làm thêm trong khi học theo cho phép của visa có thể giúp mang về thu nhập tầm 300 tới 400 triệu.

Cách tìm hữu dụng nhất là:

  • Tìm tới các nhóm trên facebook: ví dụ “Hội những người sắp đi UK”, để tìm lại các bài viết chia sẻ của những người đi trước và kết nối tìm hiểu thêm, cũng có thể đặt câu hỏi cho trường hợp của bản thân, mọi người nhìn chung rất nhiệt tình chia sẻ.
  • Tìm tới các trung tâm tư vấn du học: mọi người chú ý cần tìm hiểu xem trung tâm tư vấn đã làm hồ sơ của trường hợp giống mình chưa, vì một số trung tâm tư vấn có thể rành hơn về hồ sơ phổ thông, hồ sơ cấp đại học, chứ không rành về hồ sơ thạc sĩ.
  • Tìm nói chuyện với mọi người mình quen biết mà đã từng đi du học để học hỏi thêm kinh nghiệm. Trong network của họ có thể quen các du học sinh khác trong ngành nghề mà mình muốn tìm hiểu để giới thiệu cho mình làm quen tìm hiểu.

Bước 2: Lên kế hoạch

Sau khi tìm hiểu nên lập kế hoạch với thời gian biểu cụ thể cho từng quá trình và cắt nhỏ ra thành từng bước để thực hiện. Mình nghĩ nên áp dụng phương pháp tính ngược từ cuối cho các bước, ví dụ nhập học tháng 9, thì cần xong hồ sơ tháng nào để đặt vé máy bay. Và mỗi bước nên suy nghĩ là liệu thời gian như vậy có đủ không, hay là gấp gáp quá.

Trong trường hợp của em gái mình, đầu tiên là dự định sẽ nhập học vào tháng 9 nhưng có đôi chút trục trặc về visa nên phải chuyển sang nhập học tháng 1. Theo kinh nghiệm đã trải qua, nếu cho bản thân 12 tháng thì sẽ bớt gấp rút hơn, và nhiều vấn đề trục trặc và trì hoãn cũng là liên quan tới việc phải chuyển khóa học từ tháng 9 sang tháng 1.

Cụ thể mốc thời gian của em gái mình là:
-Tháng 1: đăng ký xin học và song song với việc tự học tiếng Anh
-Tháng 2: nhận kết quả từ trường và nghỉ việc để tập trung học tiếng Anh
-Tháng 3, 4, 5: tập trung toàn phần học cấp tốc tiếng Anh, song song với việc chuẩn bị hồ sơ visa
-Tháng 6: trường cấp CAS (xác nhận chính thức đã được nhận học đủ điều kiện tiếng Anh) cho hồ sơ xin visa
-Tháng 7: đăng ký xin visa, nếu bước này thuận lợi thì tầm 3 tuần chắc biết kết quá, nhưng vì không thuận lợi phải xin lại nên tới tháng 11 em gái mình mới hoàn tất hồ sơ.


Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ xin học và đăng ký

Hồ sơ xin học của mỗi trường sẽ khác, nhưng phần lớn là đòi hỏi:
1) Bằng đại học khá giỏi;
2) Tiếng Anh IELTS 6.5;
3) CV: hồ sơ lý lịch ghi ra lịch sử học tập, việc làm, các hoạt động khác
4) Cover letter/ Personal Statement: bản tường trình về lý do mình muốn đi du học, tại sao lại chọn trường này khóa này, và tại sao mình đủ điều kiện để nhập học (chú ý số lượng từ cho phép, có trường chỉ cho khoảng 500 từ, nếu không có giới hạn, mình nghĩ nên áng chừng 1000 từ)

Mình nghĩ nên tìm đến các trung tâm tư vấn để họ hỗ trợ mình về khoản này. Như mình đã nói ở trên nên tìm hiểu review về trung tâm và xem trung tâm đã có làm trường hợp của mình chưa. Các trung tâm thường không lấy phí vì có phần trăm hoa hồng từ trường.

Tuy nhiên dù có sử dụng trung tâm tư vấn thì cũng nên tự google tìm hiểu, lên website của trường tự đọc các thông tin vì tất cả các thông tin kể trên sẽ đều có đầy đủ rõ ràng trên website của các trường. Nếu tiếng Anh chưa đủ tốt để thực hiện bước này thì có lẽ nên dành thời gian trau dồi tiếng Anh trước.

Nếu bằng đại học không đạt điểm khá hoặc khá giỏi thì mình nên cân nhắc kỹ liệu việc học thuật có phải con đường phù hợp với bản thân không. Vì mình không muốn bỏ ra rất nhiều tiền để làm cái điều không phù hợp với tính cách và khả năng tự nhiên của bản thân của mình.

Nếu cảm thấy việc học cao hơn là phù hợp với mình nhưng tiếng Anh chưa tốt, cái này hoàn toàn có thể trau dồi được. Mình tự nhận bản thân cũng không phải giỏi tự nhiên về ngôn ngữ, học thành siêu sao ngôn ngữ nói như bản địa sẽ khó, nhưng học đủ để phục vụ mục đích làm việc học tập thì mình thấy nằm trong khả năng của nhiều người.

Tuy nhiên để bắt đầu tiếng Anh cần đủ tốt để viết CV và Cover Letter. Trong trường hợp của em gái mình, tiếng anh nghe nói là số không, nhưng số từ vựng và kiến thức ngữ pháp đủ dùng để viết một bản CV và Cover Letter (theo mình đánh giá chắc là ở mức IELTS 4.0 tới 4.5 khi bắt đầu). Thực ra ngày nay ChatGPT có thể giúp soạn thảo văn bản tiếng nước ngoài, nhưng theo mình thấy không nên lạm dụng ChatGPT vì nếu bản thân mình chưa sẵn sàng dù được trường nhận mình sẽ không đạt đủ điểm tiếng Anh trước hạn cần phải xin visa. Nếu có người quen bạn bè bên Anh đã từng đi du học hay làm việc trong công sở thì nên hỏi họ đọc hộ CV và Cover Letter.


Bước 4: Tập trung trau dồi ngôn ngữ

Mình biết đây là bước nhiều bạn đọc quan tâm. Trong nhiều trường hợp có lẽ nên trau dồi ngôn ngữ trước khi đăng ký làm hồ sơ xin vào trường. Như mình nhắc ở trên, tiếng Anh đọc viết của em gái mình chắc tầm IELTS 4.0 tới 4.5 khi bắt đầu làm hồ sơ, và tiếng Anh nghe nói ở mức bắt đầu. Em gái mình học ở trung tâm luyện thi IETLS. Sự thực là học tiếng Anh không có đường tắt và tự học tiếng Anh luôn khó hơn học bài bản trường lớp. Bí quyết của luyện thi IELTS hay học bất cứ thứ gì chính là học và luyện tập liên tục.

Tuy nhiên một điều có lợi trong trường hợp học cho xin học Thạc Sĩ đó là học có mục đích, nên thường sẽ tập trung và hiệu quả hơn. Em mình biết là nếu vừa học vừa làm học tiếng Anh sẽ không đạt được kết quả nhanh, nên mới xin nghỉ việc để quyết tâm tập trung vào việc này.

Một điều mình quan sát trong quá trình em mình học đó là bản thân người học có thể không thấy tiến bộ ngay ngày 1 ngày 2, nhưng nhìn lại một tuần, một tháng sẽ thấy sự tiến triển rõ rệt. Quá trình học tiếng này rất vất vả, nhưng phải có một cú thúc như vậy thì mới có thể tạo được bước nhảy với tới mục tiêu.


Bước 5: Làm hồ sơ xin visa

Hồ sơ thường sẽ đòi hỏi giấy tờ chứng minh tài chính (bảng lương, sổ tiết kiệm), giấy tờ nhập học (CAS từ trường), giấy tờ chứng minh chỗ ở. Không cần phải mua vé máy bay trước khi nộp hồ sơ visa. Trong trường hợp của em mình, họ hỏi thêm về thông tin tất cả người thân bên Anh, và gia đình phải nộp thêm giấy tờ chứng minh công việc chỗ ở của gia đình bên Anh.

Làm hồ sơ visa nên sử dụng trung tâm tư vấn du học vì họ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên đây là một bước quan trọng nên mình cần phải thật cẩn trọng trong sự chọn lựa trung tâm có chất lượng tốt. Nếu hồ sơ mình bị từ chối, có thể sẽ ảnh hưởng tới việc mình xin visa lần sau.


Tổng kết:

Mình hi vọng chia sẻ trên có ích cho các bạn đang trong giai đoạn tìm hiểu. Phần cuối dưới đây là câu hỏi và trả lời chi tiết hơn về một số khía cạnh.


Q&A

  1. Tại sao lại muốn đi du học?

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là cân nhắc lý do tại sao mình muốn đi du học. Nếu là đi để trải nghiệm nâng cao hiểu biết mở mang tầm nhìn, không quan trọng chuyện xin việc làm ở nước bản địa, thì có thể không nhất thiết phải học khóa thạc sĩ, mà có thể tìm hiểu các khóa học ngắn hạn. Nếu đi học vì muốn nâng cao nghiệp vụ và tìm việc ở nước bản địa thì môn học và xếp hạng của trường sẽ quan trọng hơn, và thường khóa học Thạc Sĩ là cách tốt nhất để chuyển đổi môi trường, vừa cho mình thời gian để nâng cao tiếng Anh, tìm hiểu văn hóa, chuẩn bị cho quá trình xin việc, vừa giúp CV nổi bật hơn.

  1. Học Thạc Sĩ mất bao lâu?

Thông thường khóa Thạc Sĩ bên Anh là 1 năm. Tuy nhiên, sinh viên sẽ được cho visa 1 năm và 4 tháng. Thời gian 4 tháng này là khoảng thời gian để nhận điểm, làm lễ tốt nghiệp và đăng ký visa mới.

  1. Có thể ở lại Anh sau khi học Thạc Sĩ không?

Nếu tìm được việc làm với một công ty có sponsor (“tài trợ”) học sinh quốc tế trước khi Student Visa của khóa học Thạc Sĩ hết hạn, thì Student Visa sẽ được thay thế bởi Work Visa. Nếu tiếp tục làm 5 năm thì sẽ xin được định cư vĩnh viễn. Và thêm một năm nữa sẽ xin được quốc tịch Anh.

Nếu không tìm được việc được ngay trước khi Student visa hết hạn, hiện tại sinh viên được phép ở lại Anh 2 năm để tìm việc. Student visa sẽ được thay thế bằng Graduate Visa.

Phần lớn các công việc về tài chính ngân hàng ở các công ty ngân hàng lớn đều có sponsor visa. Một số công ty nhỏ hơn có thể không sponsor. Một số các sinh viên tìm được việc có sponsor visa luôn và chuyển trực tiếp sang Work visa. Một số khác dùng Graduate Visa để tìm việc và xin công việc đầu tiên nâng cao kinh nghiệp trước khi đăng ký với công ty lớn hơn có sponsor visa.

  1. Có thể mang gia đình sang cùng không?

Không thể mang gia đình (vợ/chồng/con cái) sang với khóa Thạc Sĩ một năm và khi chuyển sang Gradue Visa sau khóa Thạc Sĩ (chú ý là nếu học Tiến Sĩ thì có thể mang gia đình và khi chuyển sang Graduate Visa gia đình vẫn được chuyển theo cùng). Work visa thì sẽ mang được gia đình sang cùng.

  1. Đi du học Thạc Sĩ cần những điều kiện gì?

Điều này sẽ tùy theo môn học và trường. Trường càng xếp hạng cao thì sẽ càng đòi hỏi cao hơn. Các trường xếp hạng cao nhất sẽ đòi bằng giỏi đại học ở Việt Nam, IELTS 7.0, có thể đòi hỏi GMAT. Các trường xếp hạng thấp hơn một chút sẽ đòi bằng khá giỏi trở lên và IELTS 6.5. Cũng sẽ có trường chấp nhận bằng trung bình khá và IELTS 6.0, nhưng thông thường những trường này có xếp hạng rất thấp và không có nhiều danh tiếng, có thể sẽ không giúp ích cho việc xin việc sau này. Tất cả các trường đều sẽ có yêu cầu CV (hồ sơ lý lịch) và một bài tường trình (Covering letter/ Personal Statement) nêu ra lý do vì sao mình muốn đăng ký khóa học này và tại sao mình lại phù hợp với khóa học này. Cần chú ý đọc kỹ yêu cầu về số lượng từ của trường cho bài tường trình.

  1. Khóa học Thạc Sĩ tốn bao nhiêu tiền?

Học phí tùy vào môn học và tùy trường. Những trường top đầu chi phí sẽ tầm £30k (900 triệu) tới £40k (1.2 tỷ) một năm. Những trường trong top 100, chi phí sẽ tầm £25k (750 triệu) tới £30k (900 triệu). Những trường thứ hạng thấp hơn có thể tầm £15k (450 triệu) tới £20k (600 triệu).

Chi phí ăn ở sẽ tùy vùng. London sẽ đắt đỏ hơn các tỉnh khác.
-Tiền nhà (bao gồm điện nước ga): ~£10k (300 triệu)/ năm
-Tiền ăn uống: ~£3k (90 triệu) tới £4k (120 triệu)/ năm
-Tiền đi lại: ~£1k (30 triệu) tới £3k (90 triệu) / năm

Như vậy theo mình thấy thì đi du học rẻ nhất cũng tầm £30k tới £35k (~1 tỷ) và trung bình là £50k (~1.5 tỷ).

  1. Có những học bổng nào?

Trước đây khi mình học Thạc Sĩ có xin được học bổng hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó của trường. Tuy nhiên dạng học bổng này thường ít và tùy theo trường. Thông thường cần phải chứng minh được khó khăn về tài chính và thành tích cũng phải có chút nổi bật để xin được học bổng này. Mình có biết tới học bổng Chevening. Tuy nhiên, theo mình biết học bổng này thường yêu cầu học sinh trở về nước sau khi học xong.

  1. Có thể làm việc trong lúc học để hỗ trợ tài chính không?

Student visa cho phép học sinh làm việc 20h/ tuần trong khóa học và 40h / tuần trong các kỳ nghỉ. Lương tối thiểu ở Anh hiện là £10.42. Vậy tối đa đi làm 20h/ tuần sẽ kiếm được tầm £800/ tháng (24 triệu) (£9.6k ~ 288 triệu/ năm).

  1. Làm thế nào để tìm trường phù hợp?

Mình thường bắt đầu bằng việc google ranking các trường đại học cho ngành mình muốn chọn. Sau đó tìm trang web của trường để xem có những khóa học gì, khóa học đòi hỏi những gì, học phí cụ thể là bao nhiêu. Một số các trang cung cấp ranking là Times Higher Education, Complete University Guide, QS World University Rankings. Kỹ năng tìm kiếm trên Google là một kỹ năng căn bản. Nếu không thể tự tìm hiểu thông tin được trên Google thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo học ở nước ngoài.

Mình nghĩ nên tìm đến trung tâm tư vấn du học để xin thông tin về các trường và để họ giúp làm hồ sơ. Tuy nhiên, kể cả khi sử dụng trung tâm tư vấn, cũng nên tự tìm hiểu về trường qua các nguồn web khác nhau.

  1. Cân nhắc liệu việc đi du học có phù hợp với mình không?

Theo mình nghĩ mỗi người cần cân nhắc được và mất cho hoàn cảnh của bản thân vì mỗi người sẽ mỗi khác, bao gồm trong trường hợp xấu nhất thì sẽ như thế nào, mình có thể chấp nhận được không.

Nhìn chung việc đi du học ở Anh không có học bổng rất đắt đỏ. Nếu muốn xin học bổng thì cũng cần có khả năng và sự cố gắng. Ngoài ra, cuộc sống ở Anh cũng chưa hẳn là phù hợp với tất cả mọi người. Mình biết nhiều sang Anh cảm thấy nhớ cuộc sống Việt Nam rất nhiều. Những thứ như đồ ăn thì có thể khắc phục được bằng cách tự nấu hay ra hàng, nhưng những khía cạnh xã hội như là bạn bè, cộng đồng, thì không dễ có thể thay thế hay thích nghi được ngay. Nhiều người cảm thấy rất cô đơn ở Anh.

Nói về cuộc sống lâu dài hơn nếu thành công xin việc, ở Anh rất đắt đỏ, nếu không làm trong những ngành nghề lương cao thì có thể cảm thấy cuộc sống ở Anh rất chật vật. Theo mình chia sẻ từ trước, chi phí cho gia đình 1 con (có đi du lịch, con không học trường tư) là tầm £4k tới £4.5k sau thuế/ tháng (125 triệu tới 140 triệu), tức là cần lương trước thuế tầm £80k một năm (2.5 tỷ). Đây là mức lương của quản lý đã có 6 tới 8 năm kinh nghiệm trong một ngành bình thường. Nếu muốn tiết kiệm mua nhà thì cần cao hơn thế. Mua nhà cần đặt cọc ít nhất 10%, và ngân hàng thường cho vay tầm 4 lần lương. Giá nhà ở London hiện rẻ nhất là tầm £400k cho một căn hộ 2 phòng ngủ. Điều này có nghĩa là cần ít nhất £40k (1.2 tỷ) tiền mặt đặt cọc, và vay ngân hàng £320k (10 tỷ) trả góp 25 tới 30 năm. Tất nhiên nếu nhà có 2 người đi làm, thì vấn đề về kinh tế sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Trong trường hợp không xin được việc làm về Việt Nam, thì điểm lợi của việc đi du học là nâng cao tiếng Anh, nâng cao nghiệp vụ, đạt được bằng cấp quốc tế, có được kinh nghiệm sống phong phú.

Theo mình nghĩ, trước khi muốn theo đuổi việc đi du học nên tìm tới các nhóm chia sẻ về việc xin học bổng việc làm ở UK, tìm kết nối với các cựu du học sinh hoặc/và những người Việt đang sinh sống làm việc ở nước ngoài ở ngành nghề của mình để nói chuyện tìm hiểu kỹ thêm về môi trường, khả năng việc làm, cũng như những điểm được và mất khi theo đuổi con đường này.

2 Replies to “Chia sẻ kinh nghiệm xin Thạc Sĩ Anh Quốc từ Việt Nam”

  1. Mình cũng đang có dự định học thạc sĩ tại đây. Bài viết của bạn rất chi tiết, cung cấp cho mình nhiều thông tin hữu ích để chuẩn bị. Cảm ơn bạn và chúc bạn nhiều sức khỏe.

Hãy để lại lời nhắn cho mình nhé!