Quản lý tài chính
Ngày xưa hồi còn đi học, mình vô cùng gà mờ, nói thực chẳng biết gì nhiều ngoài chuyện học. Đừng nói tới chuyện biết cách quản lý tài chính, cứ nói tới tiền là mình đã thấy ngại rồi. Ngay cả khi đã đi làm kiếm tiền, vẫn còn ngú ngớ mấy cái chuyện tiền nong. Căn bản một phần vì rơi trúng vào cái ngành bận rộn không có thời gian ngủ nghỉ, một phần vì đâu có ai chỉ cho mà biết.
Phải mãi về sau này mình mới dần nhận ra quản lý tài chính thực sự là một kỹ năng vô cùng quan trọng. Có nhiều người, bao gồm bản thân mình, vì không biết những điều căn bản mà bỏ phí không biết bao thời gian, bỏ lỡ nhiều cơ hội tạo dựng kinh tế vững vàng.
Giờ mình già đầu hơn, có nhiều thứ thực sự mình ước gì mình biết sớm hơn từ trước. Mình xin chia sẻ lại hi vọng là có ích cho mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ còn đi học hay mới ra trường.
1. Quy tắc 10-10-10-70
Mình không biết mọi người thế nào, chứ hồi mình còn đi học hay mới ra trường, mình thường cần gì thì tiêu đấy, chứ không bao giờ chủ động suy nghĩ nên sử dụng tiền mình có như thế nào. Sau này mới biết tới quy tắc rất đơn giản khi tài chính hạn hẹp:
10% – Giving (Cho đi)
10% – Saving (Tiết kiệm)
10% – Investing (Đầu tư)
70% – Spending (Tiêu dùng)
• Giving: Cho đi là một thói quen tốt mà ai cũng nên tập luyện. Nó tốt cho người nhận, nhưng còn tốt nhiều hơn cho người cho đi. Nó giúp con người ta biết cách sống quan tâm suy nghĩ cho người khác, và không chỉ bo bo biết tới bản thân mình.
• Saving: Tiết kiệm vô cùng quan trọng. Nhiều người vì không tiết kiệm từ sớm mà rơi vào cảnh nợ nần túng thiếu, đồng thời bỏ lỡ những cơ hội đầu tư kiếm lợi từ những tiết kiệm này.
• Investing: Đầu tư, có thể là đầu tư vào thị trường tài chính để kiếm lợi, có thể là đầu tư vào bản thân như là học tập, kỹ năng, bằng cấp.
• Spending: Tiêu dùng là nhu cầu tất yếu của mỗi con người. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên bao giờ vung tay quá trán để lẹm vào ba khoản nói trên.
Tất nhiên khi có tài chính rủng rỉnh hơn thì có thể cho nhiều hơn, tiết kiệm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn. Nhưng tuyệt đối không bao giờ nên chỉ có tiêu tiêu tiêu mà không nghĩ tới chuyện cho đi, tiết kiệm, và đầu tư lâu dài.
2. Ghi chép lại các khoản chi tiêu của bản thân
Ngày nay với tài khoản ngân hàng, việc ghi chép lại chi tiêu cũng trở nên dễ dàng hơn. Việc ghi chép lại giúp mình hiểu rõ hơn thói quen chi tiêu của bản thân, giúp mình biết chỗ nào cần kiềm chế hơn, chỗ nào có thể cắt giảm khi cần. Ra hàng quẹt thẻ rất dễ, nhưng khi nhìn thấy con số cụ thể trên giấy hàng tháng sẽ giúp bản thân bớt vung tay hơn.
3. Sử dụng thẻ tín dụng credit card
Nghe thì có vẻ vô lý, tại sao lại đi dùng thẻ tín dụng vay mượn làm gì khi lãi suất thẻ credit card thường rất là cao (~18.5%)?
Ở Anh, dùng thẻ tín dụng có hai cái lợi:
(i) Thứ nhất, thẻ tín dụng thường có những cái deal như là cashback 0.5%, tức là mình sử dụng thẻ tín dụng tiêu £100 sẽ được £0.5. Thẻ Amex, ngoài cashback còn có các offer giảm giá tại các nhà hàng, cửa hàng cửa hiệu.
(ii) Thứ hai, đây là cách xây dựng credit score, điểm tín dụng hay còn gọi là lịch sử tín dụng, vô cùng có ích cho việc mua nhà cửa về sau. Vì khi mình cần vay tiền mua nhà, các ngân hàng sẽ kiểm tra lịch sử tín dụng. Lịch sử xấu, ví dụ nợ không trả, là không không, nhưng không có lịch sử gì cũng không phải là điều tốt. Nếu mình dùng thẻ tín dụng và trả đều đặn hàng tháng, sẽ xây dựng được lịch sử tín dụng tốt để ngân hàng dùng đó làm căn cứ quyết định cho vay tiền.
Sắp xếp trả tín dụng đều đặn vô cùng dễ hàng, hoàn toàn có thể sắp xếp chuyển khoản tự động thông qua direct debit, và sẽ không mất phí một đồng nào.
4. Đóng góp vào quỹ lương hưu
Nhiều người trẻ thường không đóng quỹ lương hưu. Có thể một phần vì không mấy suy nghĩ về chuyện mình sẽ một ngày già đi không còn sức để kiếm tiền nữa, một phần vì ở Việt Nam hay có truyền thống con cái lo cho bố mẹ già, một phần mọi người nghĩ lương hưu cũng chẳng có mấy.
Xã hội ngày nay đã thay đổi nhiều, con người ngày một sống lâu hơn, cũng có nhiều quỹ lương hưu tốt hơn. Bắt đầu suy nghĩ tới chuyện về hưu sau này không bao giờ là quá sớm.
5. Tìm tài khoản ngân hàng với lãi suất tốt nhất để gửi tiết kiệm
Ngày nay có rất nhiều các ngân hàng với các đề xuất lãi suất khác nhau. Việc tìm hiểu cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều với mạng Internet. Thay vì cất tiền ở nhà dễ bị trộm, hay giữ tiền trong một nhà băng quen thuộc không cho mấy lãi suất, nên tìm hiểu xem ngân hàng nào cho lãi suất tốt nhất để bỏ tiền vào đó.
Ví dụ ở Anh, một số ngân hàng có chương trình “regular saving” cho lãi suất tốt, ví dụ như Nationwide, First Direct. Tức là hàng tháng chỉ cần bỏ một khoản nhỏ cố định từ £10 tới £250/£300 (không được rút ra) trong vòng một năm, sẽ có lãi xuất 2.75% (cao so với lãi xuất trung bình hiện tại ~1.5%).
6. Tìm kiếm cơ hội đầu tư ngoài việc gửi tài khoản ngân hàng
Ngoài việc gửi tiền ngân hàng, thực ra có nhiều cách để đầu tư khác nhau. Ví dụ như là mua cổ phiếu cổ phần, đầu tư vào bất động sản, đầu tư vào các quỹ investment fund…
Một luật chung là rủi ro cao thì kiếm lời cao, rủi ro thấp thì kiếm lời thấp. Gửi nhà băng là rủi ro thấp nhất, chính vì thế mà lãi suất thường thấp hơn nhiều so với các cách đầu tư khác. Ở Anh, chỉ gửi ngân hàng không chắc chắn sẽ không thể kiếm được nhiều lợi ích, mà cần phải tìm hiểu đầu tư vào các mảng khác. Tuy nhiên cũng không thể luôn hướng vào những mảng rủi ro cao lợi nhuận cao, vì như thế không khác gì đi đánh bạc. Đầu tư khôn ngoan là phải cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận. Về vấn đề này mình sẽ viết bài chia sẻ thêm sau.
Mình hi vọng bài viết này giúp mọi người suy nghĩ thêm về vấn đề quản lý tài chính. Nếu có câu hỏi gì hay muốn mình chia sẻ thêm về khía cạnh gì xin để lại comment dưới bài viết cho mình biết nhé. Và nếu mọi người có kinh nghiệm hay gì khác, xin chia sẻ với mình nhé.
Nguồn ảnh: www.freeimages.com/